Giá bất động sản sẽ tăng tới bao giờ?
Theo các chuyên gia thị trường bất động sản vẫn đang có dấu hiệu tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đặc biệt trong bối cảnh chi phí phát triển leo thang cùng với nhu cầu đầu tư nhà đất bùng nổ trên thị trường.
Làn sóng “ sốt đất” tăng khắp nơi
Sau Tết Nguyên Đán Nhâm Dần, tình trạng nhiều dòng tiền liên tục đổ dồn vào BĐS đã làm cho giá đất ở nhiều địa phương trên cả nước tăng lên chóng mặt. Cơn sốt đất bây giờ xuất hiện ở các tỉnh như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Nghệ An… và nhiều khu vực xung quanh TP.HCM.
Theo khảo sát của nhiều công ty tư vấn và chuyên gia bất động sản, giá bất động sản đã ghi nhận ở mức tăng khá nhanh trong quý 1/2022 và dự kiến vẫn tăng trong thời gian tới.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tạo đà tiếp tục tăng giá các sản phẩm bất động sản là do nguồn cung khan hiếm, chi phí giá đất, nguyên liệu tăng, thời gian hoàn thành dự án kéo dài.
Thứ hai, Một số chuyên gia cho rằng, sốt đất chủ yếu xuất phát từ yếu tố tâm lý muốn đón đầu thị trường, họ muốn tập trung vào các khu vực dự báo có khả năng phát triển tốt. Trong khi các nhà đầu tư F0 gia nhập thị trường bất động sản liên tục khiến thị trường trở nên sôi động hơn bao giờ hết với tâm lý chung là họ sợ bị lỡ mất đi cơ hội đầu tư. Tuy nhiên có không ít những tiềm năng về dự án đầu tư không rõ ràng, chưa chắc chắn mà các nhà đầu tư đã nhảy vào. Hậu quả là tạo ra những cơn sốt đất ảo, không ít nhà đầu tư đã bị mắc kẹt.
Việc giá đất tăng cao, “sốt đất” đã tiềm ẩn nhiều hệ lụy như tranh chấp, khiếu nại về đất đai. Theo nhận định chung, mặc dù giá đất nền tăng mạnh nhưng tính thanh khoản lại không cao.
Vì vậy, mặc dù các địa phương đã có động thái chấn chỉnh, cảnh báo đến người dân nhưng đó chỉ mới là biện pháp “hạ sốt” tức thời, cần gắn trách nhiệm vào lãnh đạo địa phương, lãnh đạo ngành và tìm ra các giải pháp căn cơ mang tính bền vững lâu dài.
Giá bất động sản còn tăng đến bao giờ
Với áp lực tăng giá cùng tỷ lệ lạm phát vẫn tiếp tục tăng cao trong khi tín dụng bị thắt chặt có thể khiến hoạt động của thị trường bất động sản bị ảnh hưởng trong ngắn hạn
Tuy nhiên, tiếp tục với đà phát triển bùng nổ sau nhiều năm trì trệ bởi Covid đà tăng giá bất động sản dự báo khó có thể dừng lại hoặc chỉ có thể bị tác động một phần nhỏ không đáng kể trong thời gian tới.
Bất động sản có mối tương quan với lạm phát. Khi lạm phát tăng cao thì bất động sản cũng sẽ tăng giá theo và được các nhà đầu tư coi là kênh trú ẩn an toàn. Lạm phát tăng, đồng tiền ngày càng mất giá, nhà đầu tư sẽ hướng đến các tài sản có giá trị tích lũy như đất đai hoặc các tài sản có giá trị tăng trưởng lâu dài.
Giá tăng liên tục, chóng mặt nhiều nơi thiết lập mặt bằng giá mới rất cao do việc đổ xô đi đầu cơ. Tuy nhiên tình trạng này đã được chính phủ ra tay bằng cách ngăn chặn đầu cơ bất động sản, Thủ tướng đã chỉ đạo đề xuất một số loại thuế đất.
Liên quan đến vấn đề về thuế bất động sản, trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã gửi công văn tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất đánh thuế rất cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập để triệt tiêu ý chí “đầu cơ” của nhà đầu tư “lướt sóng”, trong trường hợp thị trường bất động sản có dấu hiệu bị đầu cơ, sốt nóng “bong bóng”.
Theo HoREA, kể từ năm 2017 thị trường bất động sản lặp đi lặp lại nhiều đợt sốt đất, nhất là cơn sốt đất xảy ra liên tiếp trên diện rộng hiện nay, gây ra nhiều hệ quả tiêu cực, làm mất cơ hội tạo lập nhà ở của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp ở đô thị…