Quảng trường và những điều cần biết
Quảng trường có lịch sử phát triển lâu đời và có nhiều hình thái, cách bố trí, quy mô khác nhau, nó còn tùy vào vai trò và chức năng của nó. Từ thời các nền văn minh cổ đại có tính dân chủ cao như Hy Lạp và La Mã, các đô thị đều được quy hoạch với quảng trường làm trung tâm, trong thời Hy Lạp là Agora, thời La Mã là forum… Bài viết này Hà Phương Land sẽ giúp bạn có thêm những kiến thức về quảng trường và những điều cần biết!
1, Quảng trường là gì?
Quảng trường là trung tâm của hình thái đô thị, với một khoảng không gian để tổ chức những hoạt động công cộng của những đô thị, thành phố. Đây là nơi kết hợp hoặc hạn định của kiến trúc thích hợp xung quanh, gắn kết với mạng lưới giao thông, kết nối những thành tố độc lập thành một tổng thể hài hòa.
Quảng trường Ba Đình – Hà Nội
2, Quảng trường có chức năng gì?
Về bản chất, chức năng cơ bản của quảng trường là một không gian công cộng, giao lưu, chung sống của dân cư đô thị. Đây là nơi tổ chức hoạt động sự kiện xã hội, những sinh hoạt văn hóa – lễ hội, buôn bán… Bên cạnh đó quảng trường còn đóng vai trò tạo thị và tạo tính chất thành thị cho mỗi đô thị, nó tổ chức và gắn kết cộng đồng dân cư đô thị với nhau và đặc trưng nổi trội là sự cân bằng giữa cái “riêng” và cái “chung”.
Quảng trường là nơi lưu giữ những sự kiện lịch sử, diễn ra các cuộc diễn thuyết, mít tinh, biểu diễn văn nghệ (như ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (thời Pháp thuộc), vườn hoa Lý Thái Tổ (ngày nay), hay là nơi tổ chức các cuộc biểu dương lực lượng, duyệt binh (như ở quảng trường Ba Đình, quảng trường Đỏ); là nơi diễn ra các cuộc nổi dậy, cách mạng (như quảng trường Cách Mạng Tháng Tám (trước Nhà Hát Lớn), quảng trường Concorde (quảng trường Cách Mạng)…)
Quảng trường còn là nơi kỷ niệm, vui chơi, biểu diễn, giao tiếp, và là nơi để thị dân sum họp hoặc dạo chơi nghỉ ngơi…
3, Một số những quảng trường lớn của Việt Nam
– Quảng trường Ba Đình- Hà Nội
Quảng trường Ba Đình là quảng trường lớn nhất, nổi tiếng nhất của Việt Nam, được nằm trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quảng trường này là nơi ghi nhận rất nhiều dấu ấn quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Đặc biệt, vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại nơi đây, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Hàng người đi vào thăm Lăng Bác Hồ tại Quảng trường Ba Đình
Quảng trường Ba Đình hiện nay có khuôn viên với chiều dài 320m và rộng 100m, có 210 ô cỏ, xen giữa là lối đi rộng 1,4m, ở giữa quảng trường là cột cờ cao 25m. Quảng trường Ba Đình là nơi linh thiêng, thường diễn ra các cuộc diễu hành nhân dịp các ngày lễ lớn của Việt Nam, và cũng là một địa điểm tham quan, vui chơi, dạo mát của du khách trong và ngoài nước.
– Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục- Hà Nội
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục là một quảng trường nằm ở phía Đông Bắc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Quảng trường này là đầu nối các phố Lê Thái Tổ, Hàng Đào, Hàng Gai, Đinh Tiên Hoàng, Cầu Gỗ, chỗ có dốc đi về mạn báo Hà Nội Mới (số 44 Lê Thái Tổ).
Hàng người đi bộ ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục
Thời Pháp thuộc quảng trường này có tên là Place Négrier (“Quảng trường tướng Négrier”) được coi là nơi lưu giữ những sự kiện lịch sử. Hiện tại, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục là một phần của di sản sống, là một không gian mở phục vụ cho đời sống nhân dân, cho hoạt động văn hóa mang đậm nét Hà Nội…
– Quảng trường 2/4 Nha Trang
Quảng trường 2/4 nằm ở 46 Trần Phú, Nha Trang. Nơi đây là tâm điểm của các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch của tỉnh Thành Phố Nha Trang nói riêng, tỉnh Khánh Hoà nói chung. Nhờ có diện tích rộng rãi, nằm cạnh bãi biển Nha Trang xinh đẹp, thoáng mát, nên nơi đây thường xuyên được chọn là nơi tổ chức các sự kiện lớn của địa phương và cả nước.
Quảng trường 2/4 Nha Trang
Nơi đây là một địa chỉ quen thuộc với các sự kiện hoành tráng như Festival Biển Nha Trang diễn ra 2 năm 1 lần, Lễ hội của các nhãn hàng nổi tiếng trên thế giới…. Khi màn đêm buông xuống, với những ánh đèn lung linh, huyền ảo trong lối kiến trúc độc đáo, đẹp mắt và nghệ thuật chính là nơi tuyệt vời để nhiều du khách tham quan và chụp ảnh lưu niệm.
– Quảng trường Ngọ Môn – Huế
Quảng trường Ngọ Môn – Huế nằm ở trước mặt Ngọ Môn, có lẽ vì vậy nên được gọi là Quảng trường Ngọ Môn. Ngọ Môn cùng với Lầu Ngũ Phụng ở trên đó là một trong những công trình kiến trúc có giá trị về các mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật nhất của Huế. Đặc biệt hơn cả nó là cái khán đài danh dự lý tưởng khi có cuộc lễ diễn ra ở quảng trường Ngọ Môn ở phía trước mặt.
Quảng trường Ngọ Môn (Huế)
Lịch sử triều Nguyễn cho thấy rằng, đây là nơi các cuộc lễ lớn từng diễn ra và đều mang tính quốc gia, ví dụ như: như Lễ Truyền lô (đọc tên các Tiến sĩ tân khoa), Lễ Ban sóc (phát lịch), Lễ Duyệt binh hàng năm, Lễ Tứ tuần Đại khánh tiết của vua Khải Định (năm 1924), Lễ thoái vị của vua Bảo Đại (1945).
Một số quảng trường lớn trên thế giới
– Quảng trường Thời đại (Times Square) New York
Quảng trường Thời đại (Times Square) là một trong những biểu tượng của thành phố New York. Nó nằm tại một giao lộ chính ở Manhattan, nối với Đại lộ Broadway và Đại lộ Số bảy, quảng trường này kéo dài từ đường thứ 42 Tây đến đường thứ 47 Tây, New York.
Người Mỹ hân hoan đón năm 2016 tại Quảng trường Thời đại
Trước khi có tên là Quảng trường Thời đại, nó có tên là Longacre Square, sau đó Quảng trường này được đặt theo tên của báo New York Times từ năm 1904, khi tòa soạn của tờ báo này dọn về khu vực này. Những quán cafe, sân khấu nhỏ và phòng quay của MTV đã tạo nên không gian, bộ mặt của quảng trường này và nó cũng là địa điểm được chọn làm ngoại cảnh cho rất nhiều phim nhựa.
– Quảng trường Đỏ – Nga
Quảng trường Đỏ tại Moscow, nằm ở phía Tây điện Kremlin – thành lũy của hoàng gia Nga trước đây và hiện là nơi sinh sống và làm việc của Tổng thống Nga. Đây cũng là nơi thường diễn ra các cuộc diễu hành, diễu binh, kỉ niệm lớn và quan trọng của nước Nga.
Quảng trường Đỏ – Nga
Các đường phố chính của Moskva tỏa ra từ khu vực này theo các hướng để trở thành các đường quốc lộ chính bên ngoài thành phố. Do đó, quảng trường Đỏ thường được coi là quảng trường trung tâm của Moscow và của toàn nước Nga.
Quảng trường Đỏ có nguồn gốc tên gọi từ sắc đỏ của những viên gạch bao quanh nó.
Năm 1991, quảng trường Đỏ được Unesco công nhận là Di sản thế giới.
– Quảng trường Djemaa El-Fna – Ma rốc
Quảng trường Djemaa El-Fna là một địa điểm ấn tượng khi bạn đến đến thành phố Marrakech, Ma rốc, đây cũng là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng hàng đầu của đất nước này. Quảng trường ở trung tâm của thành phố Marrakech, và là nơi tập trung rất nhiều người dụ rắn, người dạy khỉ, và những người bán hàng lưu niệm.
Quảng trường Jemaa El Fna rực rỡ với những gian hàng lấp lánh ánh đèn
Mỗi buổi chiều, buổi tối quảng trường trở nên đông đúc, tấp nập với những người kể chuyện cổ tích, những nhà ảo thuật, và những người bán hàng rong chuyên rao bán các loại thuốc truyền thống của họ. Buổi tối tại quảng trường Djemaa El-Fna hết sức nhộn nhịp với những quầy hàng thực phẩm và đám đông chen nhau thưởng thức đồ ăn tại nơi đây…
– Quảng trường Saint Peter
Quảng trường này nằm ở phía trước Nhà thờ St. Peter, Vatican, nằm trong lòng thành phố Roma cổ kính. Kiến trúc sư Gian Lorenzo Bernini đã phải dành 11 năm trời để hoàn thành công trình vĩ đại này vào thế kỷ 17, dưới sự chỉ đạo của Giáo hoàng Alexander VII. Lúc đó công trình này có mục đích “tạo điều kiện để có nhiều người nhìn thấy Giáo hoàng nhất” khi giáo hoàng phát biểu, giảng giải cho dân chúng.
Quảng trường Saint Peter – Roma
Thánh đường có chiều dài ở bên trong là 186,36m, chiều dài bên ngoài (gồm cả mái cổng) là 211,5m với chiều cao là 119m chưa kể 17m chiều cao của cổng trời (phần kiến trúc được thiết kế bên trên, làm bệ cho cây thập giá). Gian thờ tự phía trong cùng của thánh đường chính là ngôi mộ của thánh Peter – nơi quan trọng và linh thiêng nhất và thu hút sự quan tâm của hàng triệu tín đồ Thiên Chúa mỗi lần viếng thăm nơi đây.
Quảng trường St. Peter ở trung tâm thành phố Rome, nên du khách có thể dễ dàng đi bộ từ trung tâm thành phố tới đó.
– Quảng trường Thiên An Môn – Trung Quốc
Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh là quảng trường thành phố lớn nhất trên thế giới, và được bao quanh bởi các di tích kiểu Xô Viết và các tòa nhà của chính phủ. Cổng thành ở phía Bắc chia cách nó với Tử Cấm Thành. Nhiều người xem Quảng trường Thiên An Môn là nơi tượng trưng trung tâm của Trung Quốc.
Quảng trường Thiên An Môn – Trung Quốc
Quảng trường này được nhiều người biết đến qua một cuộc biểu tình trong năm 1989, và hiện nay, quảng trường được sử dụng làm nơi tổ chức những sự kiện chính trị quan trọng của Trung Quốc.
– Quảng trường Trafalgar – Anh
Quảng trường Trafalgar được xây dựng nhằm để kỷ niệm chiến thắng của Horatio Nelson, người đã chống lại lực lượng hải quân của Napoleon trong trận chiến Trafalgar vào năm 1805. Tượng đài trung tâm trong quảng trường là bức tượng của Nelson đứng nhìn ra London, nó được bao quanh bởi bốn con sư tử khổng lồ và rất nhiều các đài phun nước lớn khác.
Quảng trường Trafalgar – Anh
Quảng trường Trafalgar là một trong những quảng trường thành phố nổi tiếng nhất trên thế giới. Hiện tại nó trở thành một trung tâm xã hội và chính trị và du lịch của người dân London cũng như du khách trong và ngoài nước Anh.